Hoàn thiện bản thân hơn từ những lời phê bình

Phải nghe lời phê bình từ ai đó chẳng bao giờ là dễ dàng cả. Lời phê bình có thể rất nhẹ nhàng nhưng khi lọt vào tai cũng có một chút gì đó khó nghe trong bạn.

Cho dù người phê bình bạn có ý định tốt đi chăng nữa cũng rất khó cho bạn để có thể thoải mái chấp nhận nó ngay từ ban đầu. Sau đây là các giải pháp giúp bạn có những trải nghiệm tốt hơn khi phải nhận lời phê bình từ người khác.

Bình tĩnh đối mặt với lời phê bình

Trừ khi bạn tự nhận mình là người mặt dày mấy chục lớp bê tông hoặc đã quá quen với việc phải nghe lời phê bình quá nhiều lần, phản ứng của bạn ra sao khi bắt đầu nhận được lời phê bình cũng khá là thách thức đấy. Đại đa số phản ứng của mọi người sẽ là trốn tránh, chưa thể dễ dàng chấp nhận khi phải lắng nghe những lời như vậy. Tuy nhiên đừng trốn tránh như vậy nhé. Hãy luyện tập bằng những cách trả lời tích cực giúp bạn có thể lấy lại được một chút bình tĩnh trước các tình huống như vậy.

Bạn có thể đáp lại những lời phê bình đó bằng những câu nói “Tôi chưa từng nghĩ đến điều như vậy”, “Đây là một ý kiến thú vị” có thể giúp làm giảm cảm xúc sôi trào trong bạn một phần nào. Đặc biệt là khi những lời phê bình đó đến một cách đột ngột không báo trước.

Đào sâu vấn đề để làm rõ

Đôi lúc đối phương đưa ra lời phê bình không được khéo léo cho lắm dẫn đến việc bạn dễ bị cảm xúc tiêu cực chi phối. Các từ trong lời nói của đối phương dễ khiến bạn “sôi sục” như “ghét”, “luôn luôn”… nghe như mọi lỗi lầm đều do bạn gây ra cho dù ý của đối phương không phải là như vậy.

Giữ suy nghĩ khách quan và đi vào trọng tâm lời phê bình là việc bạn cần làm khi đối diện với tình huống này. Hãy đặt ra các câu hỏi theo dòng chảy câu chuyện “Bạn có thể ví dụ cụ thể cho chuyện bạn đang nói hay không” để cả hai có thể tập trung hơn vào vấn đề.

Muốn nhận được giá trị thật sự của các phản hồi mang tính phê bình, bản thân bạn cũng phải đặt lại câu hỏi phù hợp, khi đó người đối diện mới có thể cho bạn những thông tin hữu ích từ trường hợp này được.

Thật tâm lắng nghe

Nghĩ về việc mình phải nghe những lời phê bình như đang tìm kiếm sự thật cho vấn đề quan trọng. Mà thật sự việc lắng nghe này rất quan trọng vì rất có thể bạn đã làm chưa tốt điều gì đó và đồng nghiệp, cấp trên của bạn dù cũng không thoải mái khi phải nói ra những lời đó nhưng họ bắt buộc phải nói để bạn có thể hoàn thành công việc sau này được tốt hơn. Hãy nghĩ đến cảm xúc của những người đưa ra lời phê bình nữa vì không chỉ có mình bạn cảm thấy khó chịu về điều đó đâu.

Đừng nên cá nhân hóa

Những lời phê bình không phải nói về bạn mà là về quá trình bạn thực hiện công việc và kết quả công việc đạt được. Một khi bạn có suy nghĩ “bạn” đang bị chỉ trích, bạn sẽ dễ dàng rơi vào tình thế phân định ai đúng ai sai, và điều đó không hề mang lại kết quả như mong muốn. Lời phê bình có thể nói về hành vi của bạn, chỉ cần nhớ rằng đừng để lời phê bình nhắm vào cá nhân bạn.

Phê bình đúng sự thật

Nếu có những chi tiết chẳng liên quan đến những lời phê bình bạn nhận được, hãy cứ cho qua đi nhé. Bởi chúng không đáng để bạn lưu tâm. Nếu cần thiết, bạn hãy chỉ ra điều đó cho đối phương. Mục đích chính là để cho đôi bên có thể nhìn nhận được mấu chốt của vấn đề, phù hợp và phải liên quan đến những lời phê bình bạn nhận được.

Tránh biện hộ

Phản ứng chung của đa số mọi người khi nhận lấy lời phê bình chính là “Tôi có làm vậy sao”, “Tôi đâu có làm vậy”. Thay vì cố gắng biện giải, thay vào đó hãy nói “Cảm ơn ý kiến của bạn”, “Tôi ghi nhận điều đó”. Chỉ cần đơn giản như vậy thôi bạn đã thể hiện được sự tôn trọng dành cho đối phương, vừa tạo được hình ảnh tốt cho đối phương.

Đừng quên gửi lời cảm ơn vì thiện chí của đối phương khi đã nói cho bạn biết về điều đó. Về phần mình, bạn hãy dành ra thời gian để suy xét về những điều mà họ đã nói. Đừng tránh nhé hay cố gắng bao biện, nên tìm ra giải pháp đều có lợi cho đôi bên. Đó mới là nghệ thuật ứng xử giúp bạn thành công trong mọi môi trường.

Tuyển Dụng Bạch Long Mobile

Tại sao chọn chúng tôi
  • Thu nhập cao, các chính sách thưởng hấp dẫn.
  • Cơ hội thăng tiến và lộ trình rõ ràng, minh bạch.
  • Chế độ hấp dẫn, được tham gia du lịch hàng năm.
  • Môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp, thân thiện, nhiều cơ hội thăng tiến.
  • Được đào tạo và kỹ năng trước khi làm việc.
  • Hưởng đầy đủ các chế độ BHXH theo luật lao động.
  • Chế độ tăng lương hấp dẫn theo thâm niên.