Tâm sự của 9X: “Nỗi khổ của người trẻ hiện nay là không dám yêu, không dám bệnh, không dám nghỉ việc!”
Thế giới của người trưởng thành chưa bao giờ là dễ dàng: Bạn có thể mạnh mẽ đứng chiến đấu một mình, cãi lại mọi lời gièm pha, nhưng cũng có thể dễ dàng bật khóc chỉ vì một cơn bệnh nhỏ. Bạn có thể tư vấn cho người khác hàng tá lời khuyên về tình yêu nhưng lại sợ dấn thân vào đó. Bạn cũng có thể chán nản trốn trong chăn cả đêm nhưng sáng ra vẫn make up nhẹ nhàng vội đến công ty cho kịp giờ.
Trước đây, khi tôi viết bài “Hiện tượng 35 tuổi”, tôi từng thấy có một độc giả đã bình luận rằng:
“Đến độ tuổi này rồi mới thấy hối hận. Những người trẻ tuổi thời nay thật may mắn, có sức khỏe, có tuổi trẻ, nhờ thời đại thay đổi mà quan niệm, phong tục cởi mở hơn, khoa học công nghệ phát triển hơn, điều kiện tốt hơn. Và bọn họ cũng có đủ tự tin để “bay” lên cao hơn.”
Nhưng thực tế thì thế nào? Có rất nhiều bạn trẻ ngay cả “nhảy cao” còn chưa được chứ đừng nhắc đến “bay”, giờ họ còn đang đứng tại chỗ trên mặt đất kia kìa.
Nói như vậy để nhắc cho mọi người biết một điều: Bởi vì thời đại thay đổi, dù điều kiện có tốt lên thật, nhưng đi kèm nó cũng là áp lực vô cùng to lớn. Mà đối với những người trẻ chưa có kinh nghiệm, chưa có vốn, chưa có cái gì trong tay ngoài tấm bằng tốt nghiệp, chân ướt chân ráo bước vào môi trường làm việc mới, xa lạ mà nói, thật sự rất khó!
Bởi vì chưa có sự nghiệp ổn định nên không dám yêu, bởi vì tài khoản tiết kiệm không đủ nhiều nên chẳng dám bệnh, bởi vì kinh nghiệm bằng không nên tuyệt đối thà chịu tủi thân cũng không từ chức.
Triệu chứng “sợ yêu.”
“Ai yêu trước thì người đó thua” là câu nói tôi thường nghe truyền miệng nhau từ giới trẻ hiện nay.
Đừng nhìn các clip trên Tiktok mà lầm. Có nhiều bạn trẻ than rằng sao mà người khác lại có thể quen bạn trai hoặc bạn gái dễ dàng đến thế. Sự thật thì số người FA trên cộng đồng mạng có khi còn chiếm một số lượng lớn hơn những người có đôi có cặp rất nhiều.
Theo điều tra, tỷ lệ người độc thân ở Nhật Bản đã tăng lên mức kỉ lục, trong đó có 25% nam và 23% nữ nói rằng bản thân không có ý định tìm người yêu.
Hay theo “Bảng điều tra các cô gái độc thân” của Youku, nguyên nhân chủ yếu khiến họ không dám yêu là vì không dám trao tình cảm chân thành của mình cho đối phương, vì sợ bị lừa dối, sợ là “kẻ thua cuộc” trước.
Ngay cả những người chưa từng hẹn hò với ai cũng không dám thử yêu vì sợ bị lừa dối, tổn thương như những nạn nhân mà họ nhìn thấy trên ti vi, báo đài, mạng xã hội, hay thậm chí là bạn bè, người thân của mình.
Ngược lại, những chàng trai không dám yêu vì sợ không đủ điều kiện, không có gì trong tay để lo cho bạn gái, sợ người khác xem thường. Thế nên, họ lựa chọn nắm được sự nghiệp trước thì mới yêu sau.
Thế giới của người trưởng thành chưa bao giờ là dễ dàng. Bạn không thể có được tất cả những thứ bạn cần, làm được hết mọi thứ bạn muốn. Nhưng tôi mong rằng bạn có thể làm chủ được tình cảm của mình, cũng xin chúc bạn có thể được ở cạnh người mà bạn yêu nhất.
“Nhát” bệnh vì sau lưng không người nương tựa.
Một cô gái 22 tuổi, xa nhà, xa quê lên thành phố một mình lập nghiệp. Dù có bị sếp la mắng, khách hàng khó dễ, chủ trọ chửi bới hối thúc tiền nhà cũng không khóc.
Vậy mà có thể vì một cơn sốt nhỏ nhoi lại khóc rấm rứt.
Người đó chính là T, một người tôi quen, cái người mà khiến tôi vừa khâm phục vừa thương cảm.
Hoàn cảnh gia đình T thật sự rất khó khăn. Sức khỏe cô ấy không tốt, vừa mang bệnh trong người, lại vừa phải gánh trách nhiệm nuôi cả nhà.
Từ lúc quen biết cô ấy đến nay, tôi chưa từng thấy cô ấy xài đồng nào của gia đình, có chăng thì chính cô ấy mới là người đem tiền về cho nhà.
Tôi từng hỏi cô ấy: “Làm nhiều vậy, mệt không?”
Cô ấy mỉm cười rất tươi đáp: “Mệt chứ, nhưng mới nhận lương rồi nè. Thành quả đi đôi với công sức, xứng đáng!”
Sau đó, khi chúng tôi ra trường, mỗi người một nơi nên cũng ít gặp nhau ngoài đời. Có chăng chỉ là những câu trò chuyện về công việc, đời sống thường ngày qua tin nhắn rồi thôi.
Cô ấy rất hiền, cũng rất dễ tin người, chính vì vậy tôi biết, cô ấy cũng đã chịu rất nhiều thiệt thòi ở công ty.
Mà tôi cũng thế, có khá hơn cô ấy tý nào đâu. Buồn cười hơn chính là, cái vị trí mà tôi ứng tuyển, ba vòng test trình độ đều qua. Chẳng qua tôi bị đánh rớt vì gương mặt tôi “quá hiền”, “quá non”, chứ không phải vì tôi không đủ trình độ.
Mà thôi, nhắc lại đến cô bạn kia của tôi đã. Có lần, tôi đi công tác ngang qua chỗ T sống nên cũng ghé qua thăm.
Hôm đó, T bị sốt rất cao. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy cô ấy khóc.
Nhưng cô ấy khóc không phải vì bị cơn bệnh hành hạ, cô ấy khóc vì lo lắng sắp tới lại phải đối mặt với số tiền khám bệnh sắp phải chi ra, và số tiền nghỉ việc đã mất đi. Hơn nữa, còn phải đối mặt với tiền thuê nhà, tiền gửi về gia đình hằng tháng.
Cô ấy đủ mạnh mẽ để giả vờ trước mặt lãnh đạo, đồng nghiệp, khách hàng. Nhưng cô ấy lại trở nên yếu đuối trong phút chốc chỉ vì một cơn bệnh vặt.
Và chúng ta, cũng giống như cô ấy. Bởi vì sau lưng không có ai dựa vào. Bởi vì nhận thức rõ bản thân đã trưởng thành, bởi vì thấu hiểu cha mẹ đã lớn tuổi, còn đang đứng sau lưng chúng ta, nên chúng ta không dám ngã xuống, không dám bệnh, cũng không bao giờ dám nói sự thật cho họ nghe khi họ gọi điện đến.
Chẳng dám từ chức vì của cải tròn số 0!
Khi vừa mới tốt nghiệp, tôi từng có một đoạn thời gian ngắn làm Nhân sự.
Công ty mà tôi làm là công ty may mặc, vì vậy phần lớn công nhân đều là nữ. Nhưng chỉ mới vào đây làm được 1 tháng, thứ khiến tôi ngạc nhiên nhất là: Số công nhân nữ bị sảy thai trong công ty rất nhiều.
Sau đó tôi đi tìm hiểu nguyên nhân và biết được một điều. Phần lớn gia đình những công nhân nữ này đều làm nông, không có đất đai, chỉ làm công cho người khác, có vài người thuộc dân tộc thiểu sổ nên phải nghỉ học từ sớm. Dù có bảo hiểm y tế chi trả thì họ vẫn lo lắng nghỉ việc sớm sẽ mất tiền lương, khó đảm bảo cuộc sống hằng ngày.
Chính vì vậy mà họ cứ ráng làm. Ráng đến nỗi sảy thai nằm dưỡng sức được vài ngày đã làm tiếp. Một trường hợp đặc biệt mà tôi từng gặp qua đó chính là cô bé sinh năm 1998, sảy thai tận 3 lần, nhưng thay vì nghỉ sớm để chăm lo cho cái thai, cô bé vẫn cố làm thêm ngày.
Tôi không biết rằng nghèo đói có thể làm hạn chế suy nghĩ của bạn hay không? Bởi lẽ mỗi người đều có ý thức và nghị lực riêng. Nhưng tôi chắc chắn rằng nghèo đói có thể hạn chế bước đi của bạn.
Tại sao cô bé kia không chịu nghỉ sớm hơn?
Tại sao bạn lại không dám từ chức?
22 tuổi, người ta không dám từ chức vì chưa có kinh nghiệm, tiền tiết kiệm trong tay.
Đến 25, 26 tuổi, người ta ngại từ chức vì đã quen đường đi nước bước ở công ty, họ ngại thay đổi, cũng sợ phải thay đổi. Vì nếu quyết định từ chức rồi, chắc chắn phải bắt đầu lại, tập thích nghi với công ty mới, vị trí mới.
Sau 30 tuổi thì sao? Người ta thường hỏi bản thân:
“Tôi có thể làm gì sau khi từ chức?”
“Trình độ không đủ cao, năng lực không đủ mạnh, tuổi tác thì đã lớn, nghỉ việc rồi công ty nào dám nhận?”
…
Có người từng hỏi tôi: “Tại sao càng lớn lại càng nhát?”
Phải rồi, tại sao càng lớn bạn càng có nhiều thứ để sợ, càng có nhiều thứ “không dám” như vậy?
Bởi vì bạn cần nhiều thứ hơn, muốn nhiều điều hơn nhưng lại có nhiều gánh nặng và áp lực hơn đè trên vai. Điều đó khiến bạn mất đi cảm giác an toàn vốn có khi còn nhỏ.
Thế nhưng bạn tôi ơi, đừng quên một điều rằng: Cảm giác an toàn nhất trên thế gian này là tự mình cho mình, đừng hi vọng hay trông chờ vào người khác.
Bất cứ lúc nào cũng nên nhớ, chỉ cần bạn sống thật với chính mình, bạn có đủ niềm tin và nghị lực, bạn dám nghĩ dám làm, ông trời nhất định không bỏ rơi bạn, mà chính bạn cũng nhất định trở thành thần may mắn cho chính cuộc đời mình.
Nguồn: cafebiz