Những tiêu chí mà bạn nên dựa vào để tìm việc
Giữa hàng ngàn lựa chọn khác nhau, bạn sẽ làm sao để xác định nghề nghiệp phù hợp nhất với mình? Nếu chẳng có bất cứ ý tưởng nào về công việc muốn làm, hẳn là nhiệm vụ này không thể vượt qua. May mắn thay, mọi chuyện không đến nỗi quá bế tắc. Dành thêm thời gian suy nghĩ đầy đủ hơn, bạn sẽ tăng cơ hội tạo ra quyết định tốt. Cùng Tuyển dụng Bạch Long Mobile tham khảo ngay 8 bước cần làm để chọn được nghề nghiệp phù hợp nhé!
1. Tự đánh giá bản thân
Trước khi có thể chọn ra một nghề để theo đuổi, bạn phải hiểu rõ bản thân. Giá trị cốt lõi, mối quan tâm, năng khiếu, và các kỹ năng mềm kết hợp cùng với tính cách cá nhân sẽ tạo thành nền tảng để bạn có thể làm tốt một số công việc, trong khi nhiều người khác lại không hề phù hợp.
Sử dụng các công cụ tự đánh giá, thường được gọi là bài kiểm tra nghề nghiệp, để thu thập thông tin về các đặc điểm của bạn và sau đó tạo ra danh sách nghề nghiệp liên quan dựa trên chúng. Bên cạnh đó, cũng có một số người tìm đến sự chỉ dẫn của các cố vấn nghề nghiệp hoặc chuyên gia phát triển sự nghiệp – những người có khả năng giúp bạn chọn lọc công việc và điều hướng quá trình này diễn ra thuận lợi hơn.
2. Lập danh sách nghề nghiệp nên khám phá
Có thể trước mặt bạn lúc này có khá nhiều danh sách nghề nghiệp khác nhau, mỗi một danh sách ứng với một công cụ tự đánh giá mà bạn đã sử dụng. Để mọi thứ gọn gàng dễ xử lý thì bạn nên thống nhất chúng về một danh sách tổng hợp.
Đầu tiên, hãy tìm các nghề nghiệp nào xuất hiện trong hầu hết kết quả tự kiểm tra, viết chúng vào một danh sách trống đặt tên là “Nghề nghiệp nên khám phá”. Kết quả đánh giá cho thấy chúng phù hợp với một số đặc điểm của bạn, vì thế chắc chắn là bạn nên xem xét.
Tiếp theo, tìm bất kỳ nghề nghiệp nào trong các danh sách có sức thu hút lớn với bạn. Đó có thể là một công việc bạn đã biết đôi chút và muốn khám phá nhiều hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể lọc lại vài công việc thú vị có tiềm năng tương lai, mặc dù chưa biết nhiều. Nếu bạn dự đoán rằng mình có thể học thêm nhiều thứ mới mẻ, khác biệt không ngờ, cứ mạnh dạn thêm chúng vào danh sách tổng hợp.
3. Làm rõ các nghề nghiệp trong danh sách tổng hợp
Nào bây giờ hãy bắt tay vào lấy thêm thông tin về mỗi nghề nghiệp đã liệt kê trong danh sách tổng hợp. Để tránh quá sức, chỉ nên giới hạn số lượng nghề nghiệp trong khoảng từ 10 – 20 lựa chọn.
Hãy tìm bản mô tả công việc, yêu cầu về bằng cấp và đào tạo chuyên môn của các ngành nghề đó trên những trang tuyển dụng nhân sự. Khám phá thêm về các kỹ năng và điều kiện giúp ứng viên tăng lợi thế giành được công việc. Sử dụng thông tin từ các báo cáo thống kê và chuyên trang về lương thưởng để cập nhật mức thu nhập bình quân thị trường cũng như khả năng chi trả tiền lương và phúc lợi của doanh nghiệp cho các vị trí này.
4. Làm ngắn danh sách (short list)
Tại thời điểm này, hãy bắt đầu thu hẹp danh sách của bạn hơn nữa. Dựa trên những điều khám phá được sau quá trình tìm hiểu, bạn có thể xoá bớt những nghề nghiệp bản thân không thực sự muốn theo đuổi. Nên hoàn tất danh sách rút gọn này với khoảng 2 – 4 lựa chọn, tuyệt đối không quá 5.
Nếu xét thấy một công việc có nhiều điều kiện chưa chấp nhận được nhưng không thể thương lượng, hãy gạch ra khỏi danh sách. Xoá tất cả những nghề nghiệp có nhiệm vụ không hấp dẫn bạn. Loại bỏ những công việc nào mà bạn thấy mình không có hoặc không muốn thực hiện các yêu cầu về đào tạo chuyên môn, học hỏi kỹ năng, trau dồi kiến thức, hoặc nếu bạn thiếu tố chất cần thiết để hoàn thành nó.
5. Thực hiện một số buổi phỏng vấn lấy thông tin
Khi chỉ còn lại vài nghề nghiệp trong danh sách, hãy bắt đầu nghiên cứu sâu hơn. Sắp xếp gặp gỡ với những người làm việc trong ngành nghề bạn quan tâm. Các đối tượng này có thể cung cấp kiến thức thực tiễn về nghề nghiệp trong danh sách của bạn. Hãy nhanh chóng tận dụng mạng lưới quan hệ, cả trực tiếp lẫn trực tuyến, để tìm cho được người chia sẻ thông tin cần thiết này.
6. Ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp
Sau khi thực hiện đủ các nghiên cứu, đã đến lúc đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp. Dựa trên thông tin thu thập được, hãy chọn nghề nghiệp nào mà bạn nghĩ nó sẽ mang đến cho mình cảm giác thoả mãn nhất. Cần nhớ rằng bạn luôn được phép làm lại nếu thay đổi ý định vào bất cứ thời điểm nào trong đời mình. Thông thường, mỗi người đi làm sẽ thay đổi công việc ít nhất là vài lần.
7. Xác định mục tiêu
Một khi đã đưa ra quyết định, hãy xác định các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn. Điều này sẽ đảm bảo để cuối cùng bạn có thể làm việc trong lĩnh vực mình lựa chọn. Các mục tiêu dài hạn thường mất từ 3 đến 5 năm để thực hiện, trong khi các mục tiêu ngắn hạn sẽ hoàn thành trong khoảng 6 tháng đến 3 năm.
Hãy để những kết quả nghiên cứu về yêu cầu giáo dục và đào tạo chỉ dẫn cho bạn. Nếu chưa có đủ tất cả chi tiết, nhất định phải tìm hiểu thêm. Khi đã nắm đầy đủ thông tin bạn cần, hãy đặt ra các mục tiêu cho riêng mình. Ví dụ: Mục tiêu dài hạn là hoàn thành một trình độ/ bằng cấp chuyên môn nào đó, mục tiêu ngắn hạn sẽ là ghi danh vào các trường học hoặc trung tâm đào tạo hoặc nộp đơn trở thành thực tập sinh.
8. Viết kế hoạch hành động
Hãy tập hợp tất cả những ý tưởng và sự chuẩn bị lại để vạch ra một bản kế hoạch hành động cho sự nghiệp bạn theo đuổi – viết nó ra thành tài liệu với chiến lược thực hiện cụ thể để đạt mục tiêu đề ra. Hãy nghĩ về nó như một lộ trình xuất phát từ điểm A, đi đến B, rồi phát triển lên C, D… cứ như thế cho đến khi chạm đích. Viết ra cả mục tiêu dài hạn lẫn ngắn hạn, cùng với các bước thực hiện chi tiết cho từng mục tiêu. Đừng quên dự kiến những rào cản, trở ngại và thách thức có thể gặp phải trong quá trình làm việc và phát triển sự nghiệp. Làm tốt điều này, bạn sẽ giữ cho mình luôn ở trong trạng thái chủ động và tích cực, từ đó tìm ra được định hướng và phương án vượt qua khó khăn.
Tuyển dụng Bạch Long Mobile