Những sai lầm của ứng viên khi phỏng vấn xin việc

Thái độ thiếu nghiêm túc, không chuẩn bị đủ kiến thức… là những lỗi khiến ứng viên dễ bị đánh trượt khi đi phỏng vấn xin việc.

Chuẩn bị tốt hồ sơ, đầu tư kỹ cho buổi phỏng vấn sẽ giúp sinh viên mới ra trường săn được cơ hội tốt cho mình. Với kinh nghiệm phỏng vấn nhiều ứng viên trong ngành công nghệ, mentor Đại học trực tuyến FUNiX Cao Văn Việt – Product Owner của CodeLearn (FPT Software), cán bộ công nghệ cấp tập đoàn FPT chỉ ra 5 sai lầm nhiều ứng viên mắc phải khi phỏng vấn xin việc:

Thái độ không nghiêm túc

Những câu trả lời như “Em đi phỏng vấn vì không còn công việc nào”, “em đọc được quảng cáo trên mạng nên đi thử”, “chị nhân sự rủ em qua phỏng vấn cho vui” thể hiện sự thiếu nghiêm túc với người phỏng vấn cũng như với công việc ứng tuyển.

Một số câu hỏi khác cũng được đặt ra để đánh giá thái độ của ứng viên với công việc tương lai, như “bạn có sẵn sàng đi công tác xa”, “bạn có làm thêm giờ được nếu dự án cần”, “nếu công việc rất khó yêu cầu phải học kiến thức, bạn có học thêm không”. Trả lời những câu hỏi này sẽ thể hiện sự sẵn sàng, tinh thần vì công việc của bạn đến đâu.

Ngoài ra, thái độ với công việc còn thể hiện qua thái độ, cử chỉ khi giao tiếp. “Ví dụ, việc bạn đến sớm và chờ đợi người phỏng vấn, đôi khi cũng ghi được điểm lớn trong lần gặp mặt đầu tiên”, mentor Việt nói.

Không chuẩn bị kiến thức

Không chuẩn bị kiến thức cho buổi phỏng vấn có thể do bạn không quan tâm hay không thích công việc. Nhưng đôi khi dù rất thích công việc, ứng viên quá tự tin vào bản thân cho rằng mình đã nắm rõ kiến thức cũng là một sai lầm.

Trước khi đi phỏng vấn, hãy đọc kỹ bản mô tả, hệ thống hóa những kiến thức, kinh nghiệm liên quan tới công việc mới. Chỉ qua 30 phút hay một tiếng phỏng vấn, nếu trả lời được nhiều câu hỏi liên quan tới công việc sắp làm, bạn không chỉ được nhận vào công ty, mà còn có thể nhận mức lương cao.

Đề cao bản thân

Sai lầm lớn của nhiều ứng viên là dù biết mình kém, chưa rõ về những vấn đề nhà tuyển dụng hỏi nhưng vẫn cố tỏ ra hiểu biết trước nhà tuyển dụng.

Thông thường, người tuyển dụng luôn đọc kỹ CV của bạn trước khi phỏng vấn. Nhiều công ty cũng có yêu cầu trình độ của người phỏng vấn phải cao hơn trình độ ứng viên, có thể từ vài năm kinh nghiệm trở lên, hoặc cao hơn vài cấp bậc. Do đó, người phỏng vấn có thể đặt những câu hỏi có vẻ đơn giản, đừng nghĩ rằng họ không biết, thực tế họ đang kiểm tra trình độ của bạn.

Mentor Cao Văn Việt đưa ra lời khuyên: “Nếu không biết về những gì nhà tuyển dụng hỏi, hãy nói thật. Hoặc nếu bạn đã học, tìm hiểu và tự tin về độ tìm hiểu của mình, hãy chia sẻ về những thứ bạn chưa thật sự làm. Nếu không, ngoài việc thể hiện sự thiếu hiểu biết, bạn còn đang thể hiện cho công ty hay người phỏng vấn thấy bạn là một người không đáng tin.

Không chia sẻ về mục tiêu thật sự

Nếu bạn trúng tuyển, người phỏng vấn bạn có thể sẽ chính là người đi cùng bạn trong suốt thời gian làm việc sắp tới. Vì vậy, đừng ngần ngại chia sẻ những mục tiêu thật khi bạn muốn làm công việc đó.

Mục tiêu là vì tiền, vì kiến thức hay vì bất cứ cái gì cũng được, đều không xấu. Nếu người phỏng vấn biết mục tiêu của bạn, họ sẽ có những lời khuyên và định hướng cho bạn thật phù hợp.

Nói xấu đồng nghiệp, công ty và sếp cũ

Dù bạn có gặp những chuyện không tốt ở môi trường làm việc cũ, tuyệt đối không nhắc đến những điều này trong buổi phỏng vấn. Đừng lôi khuyết điểm, kể lể về công ty cũ để nâng bạn lên. “Không người phỏng vấn hay công ty nào thích điều này, vì họ có thể sẽ trở thành mục tiêu nói xấu kế tiếp của bạn”, mentor Cao Văn Việt nhắn nhủ.

Anh Cao Văn Việt chia sẻ, trong ngành công nghệ thông tin, dù nhu cầu nhân sự đang rất cao, không vì thế mà bạn có thể chắn chắn có được việc làm. Với bất kỳ vị trí nào, ứng viên cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh những sai sót để có kết quả phỏng vấn tốt nhất.

Huy Nguyễn – một cựu sinh viên học lập trình tại FUNiX đã tham gia nhiều cuộc phỏng vấn tuyển dụng tự đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân: “Bất kỳ cuộc phỏng vấn nào cũng sẽ đặt ra những câu hỏi để tìm hiểu về ba khía cạnh của ứng viên: Bạn có khả năng để làm công việc này? Bạn có yêu thích công việc này? Bạn có hòa hợp với môi trường làm việc này?” Huy Nguyễn cho rằng, lựa chọn những câu trả lời thông minh để chứng minh được những giá trị này trước nhà tuyển dụng, ứng viên chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển.

Nguồn: vnexpress

Tại sao chọn chúng tôi
  • Thu nhập cao, các chính sách thưởng hấp dẫn.
  • Cơ hội thăng tiến và lộ trình rõ ràng, minh bạch.
  • Chế độ hấp dẫn, được tham gia du lịch hàng năm.
  • Môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp, thân thiện, nhiều cơ hội thăng tiến.
  • Được đào tạo và kỹ năng trước khi làm việc.
  • Hưởng đầy đủ các chế độ BHXH theo luật lao động.
  • Chế độ tăng lương hấp dẫn theo thâm niên.