Những câu trả lời nên và không nên nói khi tham gia phỏng vấn
Mỗi nhà tuyển dụng đều có những phong cách, thói quen riêng khi đối diện ứng viên trong buổi phỏng vấn. Trong một cuộc khảo sát gần đây, tiến hành với 650 nhà tuyển dụng tại Hoa Kỳ và Canada về những câu hỏi thường đưa ra trong khi phỏng vấn. Một số nhà tuyển dụng chọn “Mục tiêu của bạn trong 5 năm tới” trong khi một số khác lại hỏi “Hãy mô tả bản thân chính xác trong giới hạn 5 từ ngắn gọn”…
Thực tế, có nhiều dạng câu hỏi khiến người tìm việc tỏ ra lúng túng vì không biết nên và không nên nói điều gì. Sau đây là một số câu hỏi phổ biến và gợi ý trả lời của các nhà tuyển dụng đã tham gia cuộc khảo sát đó:
– Bạn có thể cho biết vài nét về bản thân?
Nên: Với câu hỏi này, ứng viên nên phát triển từ một bản tóm tắt sự nghiệp của mình. Hãy mô tả ngắn gọn nhưng đầy đủ, chi tiết về kỹ năng, kinh nghiệm, thành tích đã đạt được và những mục tiêu đề ra trong tương lai, cả mục tiêu trước mắt và dài hạn.
Không nên: Nhiều ứng viên đi sâu vào kể lể những câu chuyện về đời sống riêng tư, thảo luận về những vấn đề giải trí hoặc mô tả các khía cạnh chuyên nghiệp của bản thân nhưng lại chẳng dính dáng gì đến vị trí phỏng vấn hiện tại. Điều đó chỉ làm mất thời gian của nhà tuyển dụng khi bắt họ phải ngồi nghe những việc chẳng liên quan.
– Tại sao bạn lại muốn làm việc ở công ty chúng tôi?
Nên: Lúc này, hãy vận dụng những thông tin cơ bản về công ty đã được đọc qua website, tài liệu tiếp thị hay những tin tức nắm được từ bạn bè, người quen về văn hóa, lịch sử, uy tín công ty. Thông tin càng cụ thể càng giúp bạn dễ thuyết phục nhà tuyển dụng rằng, bạn phù hợp cho vị trí đó.
Không nên: Giải quyết nhu cầu việc làm hay vì vấn đề tài chính, trang trải cho cuộc sống hằng ngày nên bạn phải vào đây làm việc. Đó là những câu trả lời ngớ ngẩn khiến bạn mất điểm với nhà tuyển dụng.
– Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Nên: Đây được xem là cơ hội để bạn chứng tỏ sự tự nhận thức về bản thân, sự chân thành và năng lực giải quyết vấn đề bạn có được. Lúc này, bạn nên đề cập đến những nhược điểm có thể cải thiện được của bản thân và chú ý nhấn mạnh ở cách giải quyết này.
Chẳng hạn, bạn lấy dẫn chứng, trong quá khứ, đôi khi, “tôi bế tắc trong việc sắp xếp công việc, lúc nào cũng thấy bận rộn, công việc ngập đầu trong khi lại chẳng đạt được kết quả gì nhiều. Nhưng khi đọc được một cuốn sách dạy cho cách quản lý thời gian, tôi đã biết sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên, dù việc lớn việc nhỏ đều ghi ra list để không bị quên. Bây giờ, tôi biết cách phân chia thời gian, làm việc theo kế hoạch, sắp xếp công việc hợp lý và không còn bị dính vào mớ bòng bong nữa”.
Không nên: Đừng tự chỉ trích mình để chứng tỏ sự khiêm tốn, cũng không nên cố tỏ ra hoàn hảo bằng những câu nói đại loại như “tôi không có nhược điểm, mà có đi chăng nữa tôi cũng không quan tâm đến”. Một số ứng viên lại chọn điểm yếu là “thiếu tập trung cho công việc”, đó là những điều không nên nói lúc này.
– Tại sao bạn lại từ bỏ công ty hiện tại?
Nên: Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn thăm dò xem liệu bạn có thực sự thích công việc của họ hay không. Bạn hãy nhắc lại những gì bạn mong muốn trên con đường phát triển sự nghiệp của mình, để họ thấy bạn đang tìm kiếm và theo đuổi cơ hội chứ không phải vì bất kỳ lý do nào khác.
Không nên: Điều bạn nên tránh vào lúc này là đưa ra lý do rời khỏi công ty cũ, vì xung đột cá nhân hay đơn giản vì chán ghét công việc, hoặc bất kỳ lý do nào đó thiếu tích cực. Hơn nữa, bạn cũng đừng nói xấu về người quản lý hiện tại dù bạn đang thực sự không hài lòng với công việc đó. Đừng bao giờ thể hiện sự khó chịu, bực bội về công ty cũ trong buổi phỏng vấn. Nhà tuyển dụng luôn tìm những ứng viên trung thành, tận tụy với suy nghĩ lạc quan chứ không muốn chọn một người phức tạp, mới nghe qua đã thấy đau đầu.
– Mục tiêu của bạn trong 5 năm tới?
Nên: Ai cũng muốn có được một vị trí đáng kể trong xã hội và đặt ra những mục tiêu cụ thể để hướng tới. Tuy nhiên, mọi thứ cần phải linh hoạt. Hãy nói với nhà tuyển dụng rằng bạn muốn được đảm nhận những vị trí cao hơn, phát triển sự nghiệp một cách chuyên nghiệp hơn và sẽ nỗ lực không ngừng để tìm kiếm và chinh phục đỉnh cao mới.
Không nên: Đừng đưa ra những mục tiêu quá xa vời, ví dụ như tuyên bố, “tôi muốn trở thành giám đốc tài chính của những tập đoàn lớn”, “trong 5 năm tới, tôi sẽ lên làm quản lý”… Những mục tiêu quá cao, không gắn liền với thực tế sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng, nhiều khả năng, ứng viên này chỉ “chém gió”.
Cuối cùng, bất chấp mọi sự chuẩn bị, đôi khi, nhà tuyển dụng lại hỏi những câu hỏi “lạ hoắc”. Với tình huống đó, bạn nên nhìn thẳng vào nhà tuyển dụng, hít thở thật sâu và giữ bình tĩnh trước khi đưa ra câu trả lời theo ý mình.Nhiều người rơi vào tình huống này tỏ ra lúng túng, bối rối thì sự bình tĩnh của bạn lại giúp bạn nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng.
Sưu tầm
Tuyển dụng Bạch Long Mobile