Bí quyết giúp bạn tìm được công việc trái ngành một cách thuận lợi
Tìm việc làm chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng và với những người tay ngang, trái ngành, điều này có vẻ càng khó khăn hơn.
“Chúng ta đều bắt đầu từ con số 0” có lẽ là nhận định chẳng lệch đi đâu được với những bạn trẻ quyết định làm việc trái với ngành học. Đều là sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, nếu chọn công việc đúng ngành, chí ít bạn cũng có tấm bằng Đại học để “bán mình” cho nhà tuyển dụng.
Thế nhưng, khi chọn một công việc trong lĩnh vực hoàn toàn không liên quan tới ngành đã học, sinh viên mới ra trường có gì để thuyết phục nhà tuyển dụng “chọn tôi” thay vì những người cùng trình độ nhưng đã được đào tạo chuyên môn trong trường Đại học?
4 bí kíp dưới đây chắc chắn sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời một cách dễ dàng hơn:
1. Tích lũy kinh nghiệm từ vị trí Thực tập sinh
Với những người hoàn toàn chưa có bất kỳ kinh nghiệm nào, để tìm được một công việc full-time ngay khi ra trường là điều không mấy khả thi. Chúng ta đều biết rằng nhà tuyển dụng sẽ có xu hướng ưu tiên những ứng viên khiến họ ít phải “nắm tay chỉ việc” hoặc đào tạo lại từ đầu.
Nhưng không phải vị trí nào cũng buộc bạn phải có nhiều kinh nghiệm. Chính vì thế, gợi ý đầu tiên giúp bạn thử sức với lĩnh vực mới chính là bắt đầu từ vị trí Thực tập sinh. Đành rằng, mức lương của vị trí này có thể chưa cao, nhưng nếu mục tiêu của bạn là tích lũy kinh nghiệm, hãy tạm thời bỏ qua điều bất lợi trước mắt này.
Hãy nghĩ xa hơn: Thực tập không chỉ là bước đệm khởi đầu, mà còn là cơ hội giúp bạn chứng minh năng lực và trở thành nhân viên chính thức sau khi kỳ thực tập kết thúc. Hơn nữa, đây cũng là một phép thử để bạn chắc chắn rằng mình có thực sự phù hợp với công việc/lĩnh vực đó hay không.
2. Bắt đầu những dự án hỗ trợ cho công việc
Hay nói cách khác là tự tìm cách đánh bóng bản thân và chứng minh năng lực của bạn cho nhà tuyển dụng. Với sự bùng nổ của Internet như hiện nay, mọi thứ đều có thể làm online, tích lũy kinh nghiệm cũng vậy.
Với những công việc không yêu cầu kiến thức chuyên môn cao như bác sỹ, kỹ sư,… bạn hoàn toàn có thể tự mình bắt đầu những dự án cá nhân để khoe ra khả năng của mình.
Ví dụ, bạn muốn bước chân vào lĩnh vực thiết kế hay sáng tạo nội dung, hãy lập một blog/trang web và đăng lên những câu chuyện hoặc những sản phẩm thiết kế của cá nhân bạn. Lượng tương tác, phản hồi của người dùng chính là điều bạn có thể đem ra để thể thuyết phục nhà tuyển dụng rằng dù chưa có kinh nghiệm, chí ít bạn cũng có khả năng.
3. Học cách quảng bá bản thân
Thực tế cho thấy, kỹ năng chuyên môn không phải là điều duy nhất mà các nhà tuyển dụng quan tâm. Như nhiều người hay nói, kỹ năng có thể đào tạo, còn thái độ thì không. Để đảm nhiệm một vị trí, dù chỉ là nhân viên bình thường, bạn cũng cần có những phẩm chất khác ngoài kiến thức chuyên môn như trung thực, kỷ luật, nhiệt huyết,…
Hãy nghĩ lại những trải nghiệm từ thời sinh viên của mình và chọn lọc những điều giúp bạn ghi điểm trong mắt người phỏng vấn. Hãy mạnh dạn chia sẻ những việc bạn đã làm để chuẩn bị cho vị trí bạn đang ứng tuyển.
Nếu đó là công việc sáng tạo nội dung, đừng ngại kể rằng bạn đã đăng ký một khóa học tư duy phản biện. Việc xem xét một vấn đề từ nhiều góc độ có thể tạo ra những quan điểm thú vị hơn. Trong trường hợp, vị trí bạn nhắm đến là chuyên viên tuyển dụng, việc bạn đã tốt nghiệp một khóa học về tâm lý – hành vi có thể là thông tin vô cùng hữu ích.
Và đương nhiên, những chia sẻ ấy chỉ có tác dụng giúp bạn ghi điểm khi bạn đã thực sự trải nghiệm. Đừng nghĩ tới việc chém gió để qua mặt người phỏng vấn.
4. Tìm cho mình một mentor (người hướng dẫn) phù hợp
Đôi khi, điều thực sự tác động tới việc bạn có tìm được một công việc như ý hay không lại nằm ở những mối quan hệ của bạn, hơn là những kỹ năng bạn có. Điều này không có nghĩa rằng bạn sẽ “đút lót” cho cấp trên để được nhận vào công ty hay dùng quan hệ cá nhân để “đi cửa sau” một cách không chính trực.
Nhưng bạn hoàn toàn có thể tận dụng những mối quan hệ quen biết của mình, nhờ họ hướng dẫn, đưa ra lời khuyên. Lắng nghe trải nghiệm của người khác cũng là một cách tích lũy thông minh.
Đừng ngại cất tiếng nhờ vả bạn bè, những người quen biết trong việc tìm một người hướng dẫn có kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực bạn đang muốn theo đuổi. Bởi đây có thể là một bước đi tốt, trong khi việc im lặng và lủi thủi nỗ lực một mình có thể lấy đi của bạn nhiều thời gian hơn.
Tìm được một công việc ưng ý không phải là việc dễ dàng đến mức có thể “một phát ăn ngay”. Với những người học trái ngành – làm trái nghề, chuyện tìm việc có thể có phần chông gai hơn ở giai đoạn bắt đầu. Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan, chỉ cần đừng thấy gian nan một chút đã chớm nản lòng, kiểu gì bạn cũng sẽ tìm được công việc khiến bạn thấy mãn nguyện thôi!
Nguồn: Nhịp sống Việt
Tuyển dụng Bạch Long Mobile