Những sai lầm trong đơn xin việc trực tuyến cần tránh bằng mọi giá
Những sai lầm trong đơn xin việc có thể làm hỏng cơ hội tiếp cận công việc của bạn.
Điều đó xảy ra hầu hết với tất cả chúng ta: bạn đã gửi đơn xin việc trực tuyến và mệt mỏi chờ đợi kết quả trước máy tính, chỉ để không bao giờ nghe được phản hồi từ nhà tuyển dụng… một lần nào nữa.Có bao giờ bạn tự hỏi mình đã làm sai điều gì? Dĩ nhiên, thị trường việc làm vô cùng cạnh tranh, với một lượng sinh viên vừa tốt nghiệp từ năm này qua năm nọ tìm kiếm công việc đầu tiên cho mình. Tuy nhiên, đó có thể không phải là lí do duy nhất khiến bạn không nhận được lời phản hồi tốt cho đơn xin việc của mình. Rất có thể bạn đã mắc 1 trong 6 sai lầm dưới đây khiến hồ sơ xin việc của bạn bị từ chối.
Không theo thủ tục hồ sơ
Bạn đã được dạy làm theo chỉ dẫn từ khi còn đi học, vậy hãy tận dụng kĩ năng này! Đọc các hướng dẫn thủ tục thật kĩ lưỡng và làm theo chỉ dẫn. Nếu công ty yêu cầu bạn đính kèm thêm thư xin việc (cover letter) trong hồ sơ xin việc, thì đừng quên chuẩn bị một thư nhé. Nếu công ty muốn bạn làm một bài kiểm tra online ngoài việc điền đơn, hãy chắc chắn bạn hoàn thành bài kiểm tra cùng với bài nộp của mình.
Mắc một lỗi nhỏ, như là để trống một phần bắt buộc trong mẫu đơn của bạn, hồ sơ của bạn có thể dễ dàng bị bỏ qua hay thậm chí là loại luôn. Trước khi gửi đơn hãy đọc lại thật kỹ và chắc chắn rằng mình không mắc một lỗi cơ bản nào luôn là ý tưởng tuyệt vời để tăng cơ hội nhà tuyển dụng đánh giá cao hồ sơ xin việc của bạn.
Hình thức email kém
Nếu bạn gửi đơn xin việc qua email và không nhận được phản hồi nào từ nhà tuyển dụng, kiểm tra lại email đó và đảm bảo rằng bạn đã không mắc phải một sai lầm nào đáng quan ngại để khiến nhà tuyển dụng “ngoảnh mặt làm ngơ” với hồ sơ xin việc của bạn.
Trên hết, chắc chắn rằng email của bạn có một tiêu đề chuyên nghiệp, ngắn gọn, và phù hợp. Thêm vào đó, địa chỉ email của bạn nên phản ánh sự chuyên nghiệp. Ví dụ, địa chỉ email như là [email protected] sẽ dập tắt mọi cơ hội nghề nghiệp của bạn.
Một lỗi hình thức email khác mà người gửi thường vô tình mắc phải là vấn đề sử dụng ngữ pháp cùng dấu câu kém. Không ai cần biết bạn bối rối khi sử dụng “you’re” và “your” (đối với email tiếng Anh). Một sai lầm khác chính là bạn viết sai tên của người bạn cần gửi email xin việc. Bạn viết “Kính gửi Quang, hy vọng bạn có một cuối tuần tuyệt vời phía trước!” sẽ chẳng giúp cho bạn Quan có một ngày tuyệt vời nào đâu.
Đăng lên một bản lí lịch kém
Các trang web, như CareerBuilder chẳng hạn, cực kì hữu ích khi nhà tuyển dụng tìm kiếm ứng viên trong đó có hồ sơ của bạn. Không chỉ vậy, bạn còn đăng hồ sơ của mình lên rất nhiều website tương tự nhằm tăng cơ hội tìm việc của mình. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng sự kinh hoàng nếu bạn tình cờ mắc một lỗi ngớ ngẩn trên hồ sơ xin việc của mình và nó đã tràn lan trên toàn mặt trận web xin việc đầy hứa hẹn này! Bởi vì hầu hết các nhà tuyển dụng đều sử dụng hồ sơ xin việc làm cơ sở đánh giá để loại ứng viên trong quy trình tuyển dụng, hãy chắc rằng bạn tránh được các lỗi thường gặp này:
- Lỗi ngữ pháp
- Thiếu thông tin liên lạc
- Thông tin không liên quan/đã quá cũ
Không điều chỉnh thư xin việc cho vị trí công việc
Mặc dù bạn phải luôn điều chỉnh sơ yếu lí lịch để đăng công việc, bạn cũng cần chắc chắn rằng bạn đang điều chỉnh thư xin việc phù hợp với vị trí công việc. Thư xin việc của bạn về cơ bản là một lời chào hàng để thuyết phục nhà tuyển dụng tại sao vị trí đó làm bạn quan tâm và tại sao bạn là ứng viên tốt nhất cho công việc. Nhà tuyển dụng có thể phát hiện ra một lá thư xin việc chung chung và tràn lan như trên mạng, điều này sẽ làm cho toàn bộ hồ sơ xin việc của bạn có một tấm vé loại.
Hãy làm siêng nghiên cứu công ty và khéo léo làm nổi bật các kỹ năng của bạn phù hợp với miêu tả và yêu cầu công việc mà công ty đang cần tìm ở ứng viên. Thư xin việc của bạn cũng là một nền tảng tuyệt vời để cho nhà tuyển dụng có cái nhìn thoáng qua về tính cách của bạn và thuyết phục họ rằng bạn rất phù hợp với văn hóa công ty. Sử dụng công cụ này một cách khôn ngoan khi bạn gửi hồ sơ xin việc trực tuyến.
Ứng tuyển vào nhiều vị trí trong cùng một công ty
Khi bạn rất cần một công việc để chi trả cho mọi thể loại hóa đơn vây quanh mình, bạn có thể muốn nộp đơn vào mọi cơ hội việc làm mà bạn gặp, thậm chí là nhiều vị trí công việc của cùng một công ty. Mặc dù động thái này có thể làm tăng độ tiếp cận công việc của bạn, nó cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến bạn và phản tác dụng lên bạn đấy! Đây là lỗi thường gặp khi ứng tuyển online của những “chú cừu non”. Khi bạn cùng nộp đơn cho nhiều vị trí trong một công ty, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn không nghiêm túc về vấn đề tìm việc làm hoặc không định hướng được cho con đường tương lai của mình như thế nào. Dù bằng cách nào, nó để lại ấn tượng xấu về bạn và sẽ xuất hiện hình tượng về bạn như một người không có đam mê với bất kì công việc nào.
Nói dối trên hồ sơ xin việc của bạn
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều nhà tuyển dụng không tuyển bạn là bởi vẫn còn nhiều ứng viên “chém gió” trên hồ sơ xin việc của mình. Xin đừng bao giờ mắc phải sai lầm này.
Khoảnh khắc khi nhà tuyển dụng phát hiện ra bạn đang “xạo sự”, bạn có thể gửi nụ hôn nồng cháy đến cơ hội làm việc đó đồng thời là lời từ biệt với tổ chức đó. Thậm chí khi bạn bằng một cách nào đó vượt qua quy trình tuyển dụng mà không bị bắt tại trận, sự thật có ngày cũng sẽ được đưa ra ánh sáng và đồng nghiệp của bạn sẽ không bao giờ có niềm tin ở bạn nữa. Tệ hơn nữa, nếu họ quen biết những nhà tuyển dụng khác mà bạn đang tìm kiếm trong ngành, họ có thể tán gẫu về bạn và có thể cho bạn cái danh xấu tại các tổ chức khác. Cách đơn giản để khắc phục lỗi này là chỉ cần nói sự thật thôi.
Tổng kết lại sau khi bạn đọc xong bài viết này, bạn sẽ thành công có được việc khi tránh được những lỗi này khi nộp đơn xin việc trực tuyến. Hãy thận trọng – không cẩu thả – khi bạn đang tìm kiếm công việc nhé.
Tuyển Dụng Bạch Long Mobile
Nguồn: TopResume