Những điều khiến cấp trên mất lòng tin ở bạn
Trong những giá trị quan trọng của các mối quan hệ thì niềm tin được xem là quan trọng nhất. Nó sẽ quyết định độ gắn kết cũng như sẽ phát triển của mối quan hệ đó. Đối với cấp trên và nhân viên cũng vậy, nếu bạn mắc phải những sai lầm khiến cấp trên không còn tin tưởng bạn nữa thì chắc chắn sự nghiệp của bạn sẽ lao đao.
Việc đánh mất lòng tin của cấp trên sẽ khiến bạn mất đi rất nhiều cơ hội trong công việc, nhất là những cơ hội quý giá giúp bạn thăng tiến. Đừng để hình ảnh chăm chỉ và danh tiếng bấy lâu của mình bị tiêu tan chỉ vì mắc phải một trong những sai lầm sau đây nhé.
Hứa hẹn những điều bất khả thi
Sai lầm này thường xảy ra theo hai trường hợp. Trường hợp đầu tiên chính là trong quá trình làm việc hoặc lúc cao hứng, bạn đã lỡ hứa với cấp trên về những việc nằm ngoài khả năng của mình. Ví dụ như giành được tất cả hợp đồng của khách hàng chỉ trong vòng một tuần hoặc hoàn tất dự án lớn mà không cần ai hỗ trợ. Bạn làm cho cấp trên thấy được sự tự tin và nhiệt huyết nhất thời nhưng khi bạn không thể hoàn thành được lời hứa của mình thì chắc chắn cấp trên sẽ không vui vẻ gì đâu. Họ có thể nổi giận, và tệ hơn là không còn tin tưởng để giao cho bạn những công việc mới nữa.
Trường hợp thứ hai chính là việc bạn thường hứa hẹn những việc nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của mình. Chẳng hạn như bạn hứa hẹn về một khoản bồi thường cho khách hàng khi họ khiếu nại, hoặc một lời xin lỗi công khai từ cấp trên. Nhưng, việc bạn xoa dịu khách hài trong nhất thời sẽ đẩy cấp trên của bạn vào rắc rối nếu như khoản bồi thường không có mà lời xin lỗi cũng không thể được đưa ra. Đưa sếp của mình vào thế đã rồi sẽ khiến bạn trở thành “nhân viên gây khó chịu” trong mắt họ. Hãy cân nhắc kỹ về những thông tin quan trọng trước khi hứa hẹn điều gì đó, tránh ảnh hưởng đến cấp trên và cả bạn nữa.
Không trả lời điện thoại hoặc email
Sai lầm này cũng có hai trường hợp. Thứ nhất là bạn không phản hồi thông tin liên lạc của khách hàng, thứ hai là không phải hồi thông tin liên lạc của cấp trên. Có thể trong quá trình làm việc, có những mục mà bạn ưu tiên thực hiện trước hoặc bỏ sót những cuộc gọi, mail của những khách hàng. Khi không nhận được phản hồi từ bạn, có thể họ sẽ liên lạc với cấp trên, và bạn sẽ gặp rắc rối. Nếu tình trạng đó xảy ra hơn một lần thì chắc chắn lòng tin của cấp trên đối với bạn đã giảm đi rõ rệt, bạn không còn là một nhân viên gương mẫu nữa.
Trường hợp thứ hai chính là bạn không phản hồi những cuộc gọi, mail của cấp trên. Cấp trên liên lạc với bạn có thể là để giải quyết những công việc quan trọng hoặc cần bạn thực hiện một nhiệm vụ gì đó là cơ hội để bạn phát triển sự nghiệp. Nhưng bạn đã không trả lời, lâu dần niềm tin vào bạn sẽ biến mất vì họ nghĩ dù có liên lạc thì bạn cũng không trả lời. Đừng mắc phải sai lầm này vì bạn sẽ bỏ lỡ những cơ hội có một không ai đấy.
Thờ ơ với những việc cấp bách
Sai lầm này bạn sẽ mắc phải hoặc vô tình mắc phải. Có thể là ý diễn đạt của cấp trên về việc mà họ giao cho bạn chưa rõ ràng hoặc bạn quá bận rộn nên không kịp giải quyết các việc đã được giao. Bạn phải bình tĩnh suy xét lại lời nói của cấp trên và thực hiện ngay những việc mang tính cấp bách, vì cấp bách tức là sẽ quan trọng. Đừng để cấp trên phải hỏi lại rằng bạn đã thực hiện công việc đó chưa, nhiều lần như vậy họ sẽ nhận định rằng bạn là một người thờ ơ với những mệnh lệnh đã nhận.
Tai hại hơn là nếu sự thờ ơ của bạn là dành cho khách hàng đang cần được giải quyết gấp các vấn đề thì chắc chắn bạn sẽ chịu khiển trách hoặc nặng hơn là đánh mất cơ hội thăng tiến. Cũng đừng trả lời bao biện với cấp trên rằng bạn đã quên, hãy thành thật nhận lỗi và không để tình trạng trên lặp lại lần thứ hai. Hãy thường xuyên chú ý theo dõi công việc của mình và ghi chú lại những việc cấp bách.
Báo cáo quá chậm trễ
Báo cáo công việc với cấp trên là một việc quan trọng, bạn sẽ cho họ nắm được những thông tin cụ thể và quan trọng về những gì xảy ra trong thời gian gần đây hoặc kết quả công việc hiện tại. Bạn phải lựa chọn thời gian báo cáo phù hợp, đừng để đến phút chót mới cho cấp trên viết về tình hình công việc. Nhất là đừng kéo dài thời gian khi muốn báo cáo những việc cấp bách như khiếu nại của khách hàng, những vấn đề phát sinh trong công việc.
Khi những điều đó vừa xuất hiện thì bạn nên báo ngay cho cấp trên, đừng để mọi việc vượt quá tầm kiểm soát rồi mới cuống cuồng tìm giải pháp. Nếu bạn để cấp trên phải nhận “quả bom nổ chậm” vì bạn không báo cáo kịp thời thì sau này họ sẽ gắt gao với bạn hơn trong công việc. Kiểm tra bạn thường xuyên hơn để chắc rằng bạn không làm lớn chuyện thêm lần nào nữa. Hãy nhớ cập nhật tiến trình công việc và thông tin quan trọng cho cấp trên đúng lúc nhé.
Chỉ cần bạn luôn tỉnh táo và bình tĩnh trong quá trình làm việc, tránh những sai lầm cơ bản trên thì chắc chắn rằng hình tượng nhân viên đáng tin cậy của bạn trong mắt cấp trên sẽ vững vàng hơn. Những cơ hội lớn hơn và tốt hơn sẽ dành cho bạn khi họ thấy rằng bạn đủ xứng đáng.
Tuyển dụng Bạch Long Mobile