Những lý do khiến bạn lọt vào”danh sách đen” tuyển dụng
“Danh sách đen” được nhắc đến ở đây chính là danh sách những ứng viên có biểu hiện hoặc hành vi không được tốt đối với nhà tuyển dụng. Nếu lọt vào danh sách này thì tỉ lệ nhận được việc làm của bạn gần như bằng không. Và đâu là nguyên nhân dẫn đến việc đó, hãy nhìn nhận lại bản thân mình có mắc phải những sai lầm dưới đây không.
Những nhà tuyển dụng đều dễ dàng có được những “danh sách đen” này để tránh tuyển phải những người có hành vi không tốt. Vậy những hành vi không tốt khiến bạn bị liệt vào danh sách đen là gì? Tất cả đều xuất phát từ chính bản thân bạn nếu bạn không chú trọng đến các chi tiết nhỏ.
Ứng tuyển hàng loạt nhưng không tham gia
Sai lầm này có hai trường hợp, trường hợp thứ nhất là bạn ứng tuyển quá nhiều vị trí tại một công ty, trường hợp thứ hai là bạn ứng tuyển ở quá nhiều công ty khác nhau. Đối với trường hợp thứ nhất thì bạn sẽ gây ấn tượng không tốt với nhà tuyển dụng vì bạn đã thể hiện rằng mình không tập trung vào một lĩnh vực chính mà lại ôm đồm quá nhiều. Dân gian thường nói: “Một nghề cho chín hơn chín mười nghề”, bạn chỉ cần giỏi ở một lĩnh vực thôi cũng đã đủ để nhà tuyển dụng đánh giá cao bạn. Đừng ham muốn quá nhiều thứ mà làm bản thân mình đưa vào danh sách đen.
Trường hợp thứ hai sẽ khiến bạn trở thành đối tượng thuộc diện không nên nhận. Vì bạn ứng tuyển ở nhiều công ty nhưng khi bạn chọn được nơi mình muốn thì bạn không đến ứng tuyển ở những công ty khác theo lịch đã hẹn. Điều này giống như bạn đã “bỏ bom” nhà tuyển dụng. Hành vi này không bao giờ được đánh giá cao và sẽ tự làm tổn hại đến cá nhân bạn trong quá trình xin việc.
Làm phiền nhà tuyển dụng
Nếu như sau mỗi cuộc phỏng vấn bạn luôn cố liên lạc với nhà tuyển dụng để mong muốn biết được kết quả thì bạn sẽ trở thành “kẻ phiền toái” trong mắt họ. Việc liên lạc lại với nhà tuyển dụng là cần thiết nhưng bạn hãy biết chừng mực và liên lạc đúng lúc. Không làm phiền nhà tuyển dụng sẽ cho họ thấy rằng bạn cũng là một người có tính kiên nhẫn cao.
Cư xử không đúng mực
Ranh giới giữa sự tự tin và sự kiêu ngạo rất nhỏ, bạn cần phải biết kiểm soát bản thân mình trước nhà tuyển dụng. Đừng cư xử quá mức cho phép, không khoe khoang mà hãy thuyết phục nhà tuyển dụng về khả năng của mình. Đừng ngắt lời họ mà hãy điềm đạm trả lời từng câu hỏi, tỏ lòng biết ơn với những cơ hội mà họ trao cho bạn. Nếu cuộc phỏng vấn không đi đến kết quả mong muốn thì bạn cũng không được tỏ thái độ tiêu cực mà hãy bày tỏ sự hối tiếc vì không được làm việc và cống hiến cho cơ quan đó.
Thể hiện trạng thái tuyệt vọng
Đây là biểu hiện phổ biến của những người trong một thời gian dài không có được công việc. Nếu tỏ ra quá mong muốn công việc đó và coi nó như sự cứu rỗi ngay lập tức cho bạn thì nhà tuyển dụng không đánh giá cao bạn mà ngược lại sẽ dè chừng bạn. Họ sẽ hoài nghi rằng trước đây bạn đã làm gì và tại sao bạn lại tuyệt vọng như vậy. Họ sẽ biết được bạn đã thất nghiệp trong một thời gian nên sẽ không coi trọng năng lực của bạn nữa. Tránh để điều này xảy ra, giữ trạng thái bình tĩnh nhất và tươi tắn nhất khi đến gặp nhà tuyển dụng nhé.
Không trung thực
Đây là điều tối kị trong bất kỳ buổi tuyển dụng nào, bạn không thành thật với nhà tuyển dụng sẽ gây ra hậu quả rất lớn. Bạn nói dối hoặc phóng đại về khả năng, lịch sử làm việc của mình hoặc che giấu những điểm mờ ám thì sẽ khiến nhà tuyển dụng lập tức loại bạn. Hoặc nếu bạn có nhận được vị trí đó đi nữa thì sau một thời gian làm việc mọi chuyện sẽ được phơi bày. Lúc đó hồ sơ việc làm của bạn sẽ không còn được chấp nhận ở bất kỳ cơ quan nào nữa.
Hãy cân nhắc kỹ những sai lầm trên để bản thân không vướng vào. Một khi bạn đã ở trong “danh sách đen” của nhà tuyển dụng thì con đường sự nghiệp của bạn sẽ trở nên rất chông gai. Hãy là một ứng viên thông minh, bản lĩnh để tự tìm kiếm cơ hội tốt nhất cho mình.
Tuyển dụng Bạch Long Mobile