Những kỹ năng cần có khi giao tiếp
9 kỹ năng quan trọng trong giao tiếp sau đây sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn:
1- Sử dụng ngôn ngữ cơ thể: Cách bạn đứng, biểu cảm trên khuôn mặt, ánh mắt… đều ảnh hưởng đến ấn tượng của người khác dành cho bạn. Hãy để ý đến những ngôn ngữ cơ thể của mình và điều chỉnh chúng. Luôn nhìn vào mắt (hoặc điểm giữa của hai mắt) khi bạn nói chuyện, mỉm cười nhiều hơn, bắt tay niềm nở. Giữ thẳng lưng và đầu ngẩng cao. Tránh những biểu hiện như khoanh tay trước ngực hoặc bắt chéo chân vì như vậy bạn đang gửi tín hiệu phòng thủ đến người đối diện.
2- Lắng nghe chủ động: Khi nghe tốt, bạn có thể cải thiện rất nhiều các mối quan hệ và tương tác xã hội, khả năng tạo ảnh hưởng, thuyết phục và đàm phán cũng nhờ đó mà được nâng cao. Để cho thấy sự chú ý lắng nghe của mình, bạn hãy kết hợp cùng ngôn ngữ cơ thể của bạn: gật đầu, mỉm cười và phản hồi một cách có suy nghĩ.
3- Hoá giải xung đột: Xung đột là không thể tránh khỏi trong mọi mối quan hệ và học cách để xử lý xung đột là cần thiết để nuôi dưỡng mối quan hệ ấy một cách lành mạnh. Khi bạn đã kiểm soát được cảm xúc của mình, bạn có thể truyền đạt ý kiến và nhu cầu của mình mà không làm người khác tổn thương. Hoá giải xung đột cũng có nghĩa là bạn có thể tha thứ và quên đi lỗi lầm của người kia, bạn chấp nhận thoả hiệp để không phá hỏng mối quan hệ của mình.
4- Chân thành và đáng tin: Khi bạn cố khoác lên mình những thông tin sai lệch, những phẩm chất không phải là bạn, hầu hết mọi người đều biết (nhưng sẽ không nói để bạn biết thôi). Sao phải làm như vậy? Hãy cứ cho mọi người thấy con người thật của bạn, một cách chân thành và đáng tin thì mối quan hệ đó sẽ còn đi xa nữa.
5- Ứng biến với cảm xúc: Sở dĩ, giao tiếp là hoạt động cho – nhận qua lại giữa 2 người. Vậy nên, việc bạn thấu hiểu cảm xúc của mình và của người khác sẽ giúp cho cuộc nói chuyện được điều chỉnh phù hợp. Bạn hãy tìm hiểu và rèn luyện thêm về trí thông minh cảm xúc.
6- Phát âm và sử dụng từ ngữ: Nếu bạn nói chuyện lí nhí, quá nhỏ nhẹ hay lớn tiếng, nuốt chữ với giọng lè nhè “ừm, à, ồ…”, người nói chuyện với bạn sẽ khó nắm bắt hết thông điệp mà bạn muốn nói. Hãy rèn luyện cách phát âm và khả năng chọn lọc từ ngữ khi nói của bạn. Ghi âm lại giọng nói của mình để nghe lại xem ngữ điệu và âm lượng khi nói của bạn thế nào. Đứng thẳng, vai mở ra sau để lồng ngực không bị chèn ép và có lượng hơi tốt hơn khi nói. Hãy nói chậm và bình tĩnh.
7- Đặt câu hỏi hay ho: Cách tốt nhất để biết nhiều hơn về ai đó là lắng nghe họ và hỏi những câu hỏi có giá trị. Việc này khiến họ cảm thấy được lắng nghe và có được sự liên kết thân mật với bạn. Nhưng nhớ đừng quá kiệm lời và im lặng nhé, không ai muốn phơi bày “ruột gan” cho một người chỉ chòng chọc khai thác thông tin của mình mà.
8- Bắt chuyện xã giao: Phần lớn các mối quan hệ trên đời đều bắt đầu từ những lần bắt chuyện xã giao vu vơ. Việc này không chỉ là đến nói chuyện với một người không quen mà còn phải tạo ra một cuộc nói chuyện tự nhiên và không gây áp lực. Bạn hãy vượt qua chính mình bằng cách tự bắt chuyện với mọi người đã nhé.
9- Thể hiện kiến thức và trình bày rành mạch: Dù là trình bày ý tưởng trong công việc hay chỉ là nói chuyện thông thường, bạn cũng nên lưu ý để chuẩn bị nội dung. Bạn cần biết chính xác điều mình muốn diễn đạt cho người khác. Tiếp đến hãy thu thập các thông tin và lập luận rồi hệ thống lại cho hợp lý. Đừng cố tỏ ra “nguy hiểm” bằng việc dùng thuật ngữ hay từ ngữ to tát, hãy giữ cho nội dung bạn nói rõ ràng, đơn giản và chính xác. Càng hiểu rõ và có kiến thức về những gì mình nói, bạn sẽ càng tự tin và chắc chắn nhận được sự hứng thú lắng nghe.
Nguồn: kenhtuyensinh