Đừng để bản thân qua đời ở tuổi 25 và được chôn cất ở tuổi 75, để sống cao cấp hơn, hãy ép bản thân học và hiểu điều này
Tuổi 25 có người vừa mới tốt nghiệp đại học, lại có người đã trở thành CEO; tuổi 75 có người trở thành tỷ phú thế giới, có người chẳng để lại gì ngoài cát bụi.
Vị triết gia, nhà hoạt động xã hội, nhà ngoại giao người Mỹ, đồng thời cũng là một trong những người thành lập đất nước của Hoa Kỳ, Benjamin Franklin đã từng nói: “Some people die at 25 and aren’t buried until 75”, tức là: Có những người chết ở tuổi 25 và chỉ đến 75 tuổi mới được chôn cất.
Ở độ tuổi căng tràn nhiệt huyết, năng lượng và lý tưởng, có rất nhiều người đã lựa chọn ra đi không phải về mặt thể xác và chết ở tâm hồn. Tình trạng ấy không bắt nguồn từ sự khổ cực, khốn khó của cuộc sống mà thay vào đó, nguyên do lại đến từ sự an nhàn quá sớm.
Đời người bây giờ dễ dàng thỏa mãn với những hạnh phúc nhỏ nhoi, ví dụ như có một công việc làm ổn định, có một gia đình đầy đủ ổn định, có thu nhập đồng ra đồng vào lo cho cuộc sống ổn định. Vậy là đủ, không còn mong muốn gì thêm.
Chính vì không mong muốn gì thêm, cuộc sống lại càng không có mục tiêu, không có chí hướng. Họ sống trong một vòng lặp do chính mình đặt ra. Sáng đi làm, chiều về nhà, cơm nước, tắm giặt, nghỉ ngơi, rồi hôm sau lại bắt đầu một hành trình y hệt như thế. Không bứt phá, không thay đổi, không dám làm gì vì sợ đánh vỡ sự yên ổn, an nhàn của bản thân. Thế là cuộc đời của họ chính thức dừng lại ngay ở tuổi 25. Trước khi thân thể kịp già thì tâm hồn của họ đã lựa chọn điều đó.
Trên mạng Internet từng có một câu hỏi được đưa ra: “Bạn có biết ở đâu là nơi giàu có nhất trên thế giới?”
Rất nhiều người đưa ra câu trả lời, nào là Trung Quốc, nào là Dubai, nào là nước Mỹ… Nhưng đáp án chính xác mà chủ nhân câu hỏi đưa ra lại là: Đó là trong nghĩa trang. Tại sao lại như vậy?
Vì nằm trong nghĩa trang không chỉ là quan tài và thi thể, mà đó còn là rất nhiều ý tưởng chưa kịp thực hiện, những cuốn sách chưa thể viết nên, những ca khúc chưa bao giờ được hát, những nghiên cứu và phát minh chưa thể thành công. Rất có thể một trong số đó sẽ trở thành kiệt tác, một trong số đó sẽ thay đổi cả xã hội, một trong số đó sẽ khiến tương lai vận hành theo một cách khác. Nhưng giờ đây, chúng chỉ có thể nằm dưới lòng đất.
Ngược lại, bản thân người trẻ đang sống mà như không sống, chẳng dám tận hưởng và phát huy hết tác dụng của từng giây phút trên đời. Phải chăng là vì chúng ta chưa thực sự nằm trong nghĩa trang nên chưa thể thấu hiểu được cảm giác bi ai, nuối tiếc và bất lực của tuổi già thực sự?
“Sinh, lão, bệnh, tử” vốn là một quy luật của tự nhiên. Đã là quy luật thì rất khó thay đổi. Có người từng nói, tuổi thọ của một con người được quyết định chủ yếu bởi một là DNA, hai là hoàn cảnh, ba là chế độ chữa bệnh, bốn là khoa học kỹ thuật, năm là chế độ ẩm thực, và thứ sáu, quan trọng nhất, là chính bản thân. Điều này không có nghĩa là bản thân ta có thể khống chế sinh mạng ngắn dài, mà điều chúng ta có thể làm chính là kéo dài ý nghĩa cuộc đời của mình.
Không thể đối đầu với thời gian nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đối đầu với chính mình. Bằng cách nhận ra giới hạn của cuộc sống, chúng ta mới có thể sống ý nghĩa hơn. Ở tuổi 20, bạn trổ hết tài năng, ở tuổi 40, bạn tích lũy đầy mình thì ở tuổi 70, bạn mới có thể điềm đạm thong dong.
Giống như câu nói: Cho dù không đạt kết quả tốt đẹp gì thì tôi vẫn muốn được đích thân trải nghiệm càng nhiều càng tốt, để hy vọng khi già đi, mỗi nếp nhăn trên mặt không chỉ đại biểu cho thời gian, mà còn là sự tích lũy, đó là thông tin, là những câu chuyện đời người. Ở giai đoạn nào không quan trọng, quan trọng là cách chúng ta nắm bắt thời gian, để cuộc sống được tận dụng đến từng ngày vào đúng mục đích và ý nghĩa mà nó nên có.
Trong khi thời đại không ngừng tiến bộ, bản thân con người lại càng phải phát triển bắt kịp tốc độ đó. Nếu chỉ dậm chân tại chỗ suốt năm rộng tháng dài, sớm muộn gì chúng ta cũng bị “bỏ rơi” ở phía sau trong sự lạc hậu, thua kém. Và khi đó, chúng ta sẽ phải nhường chỗ, chấp nhận bị thay thế bởi những con người khác tiến bộ hơn, phát triển hơn.
Như nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Ram Dass đã nói, trí tuệ là thứ hiếm hoi trong cuộc sống không suy giảm theo thời gian. Khi mọi thứ trong cuộc sống suy giảm, chỉ có trí tuệ phát triển cùng với năm tháng. Do đó, sự lão hóa của tâm trí sẽ là điều khủng khiếp gấp bội lần sự lão hóa của cơ thể.
Trong cuộc sống, nhiều người mặc dù vẫn còn rất trẻ lại đã để mặc tâm trí mình già nua còm cõi trong một thời gian dài. Nhìn vào trường hợp của một nhân viên của một trạm thu phí trên đường cao tốc, sau khi mất việc, anh ta mới hoang mang về tương lai của mình: Tôi đã 36 tuổi, làm việc cho trạm thu phí đã 15 năm, cả đời chỉ biết thu phí cầu đường chứ không học được thêm gì khác thì sau này phải sống tiếp thế nào?
Cho dù vẫn còn trẻ, nhưng sự trải nghiệm và phát triển của người đàn ông trong trường hợp này đã chết từ lâu. Ngược lại, khi chúng ta có thể tiếp tục học hỏi và không ngừng khám phá những điều mới lạ, mở rộng tâm trí, thì mỗi khoảnh khắc của cuộc sống đều mang đầy nhiệt huyết, động lực và sự đam mê của tuổi trẻ.
Tác giả của bài thơ nổi tiếng “Tuổi trẻ”, Samuel Ullman đã thể hiện trong tác phẩm của mình rằng: “Không một ai lại già cỗi đi vì những năm tháng trôi qua. Chúng ta già nua bởi vì ruồng bỏ lý tưởng của mình. Năm tháng có thể làm nhăn nhúm làn da của chúng ta, nhưng sự từ bỏ tinh thần hăng say, phấn khởi mới làm tâm hồn chúng ta héo hắt. Lo âu, sợ hãi, mất niềm tin mới bóp chết con tim và biến hăng hái phấn khởi về với cát bụi.”
Hay như trích dẫn: “Khi luồng cảm nhận không còn, khi nhiệt tình bị bao phủ lớp băng giá của sự hoài nghi và bi quan, khi đó bạn đang già đi, thậm chí ở tuổi hai mươi.”
Hãy nhớ rằng, 25 tuổi có người vừa mới tốt nghiệp đại học, lại có người đã trở thành CEO, 75 tuổi có người trở thành tỷ phú thế giới, có người chẳng có gì ngoài cát bụi. Cuộc đời của mỗi người đều cần có những sự lựa chọn của riêng mình, sống thành công sẽ gặt hái thành tựu và nhiệt huyết, sống trì trệ sẽ chỉ nhận được tuổi tác và thời gian.
Theo Tri Thức Trẻ